Tóm tắt đề cương ĐA sx cấp tỉnh:
ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP TỈNH
- Cơ sở chính trị Căn cứ Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề xuất sắp xếp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vào Thành phố Hồ Chí Minh, để xây dựng vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
- Tổng quan số liệu quy mô dân số và diện tích của các ĐVHC cấp tỉnh thực hiện sắp xếp
- a) Tỉnh Bình Dương là một tỉnh có vai trò quan trọng về kinh tế trong khu vực Đông Nam Bộ và cả miền Nam Việt Nam. Tỉnh có diện tích 2.694,70 km², đứng thứ 44 trên toàn quốc về diện tích. Với dân số khoảng 2.426.561 người, Bình Dương xếp thứ 6 cả nước về số lượng dân cư. Về mặt hành chính, tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã.
- b) Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có diện tích nhỏ nhất và dân số ít nhất của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh có tổng diện tích là 1.980,80 km², xếp thứ 50 toàn quốc. Dân số 1.148.313 người, xếp thứ 38 toàn quốc. Về mặt hành chính, tỉnh được chia thành 07 đơn vị cấp quận huyện, trong đó bao gồm 03 thành phố và 04 huyện. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, theo Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 77 đơn vị cấp xã, giảm 1 huyện và 5 xã so với trước. Huyện Long Đất mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
- c) Tổng quan phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh Quy mô kinh tế của 3 ĐVHC cấp tỉnh: Tổng GRDP năm 2024 là 2.363.032.402 triệu VNĐ; Tổng thu ngân sách năm 2023 là 539.042.439 triệu VNĐ; Thu nhập bình quân năm 2023: tỉnh Bình Dương là 99,58 triệu VNĐ/người/năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 64,08 triệu VNĐ/người/năm, Thành phố Hồ Chí Minh là 78,20 triệu VNĐ/người/năm. Dự kiến sau khi sắp xếp thành lập ĐVHC cấp tỉnh mới có diện tích tự nhiên m2 (ước tăng tỷ lệ 135,43%); quy mô dân số 13.706,632 người (ước tăng tỷ lệ 979,04%). Với mô hình mới sau thành lập sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan toả trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24-NQ/TW phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.Tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển. Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Tiểu vùng trung tâm gồm Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục – đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế. ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế. Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: Cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hoá dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Thành lập Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sáp nhập 03 ĐVHC cấp tỉnh gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên cơ sở thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở; bảo đảm sau sắp xếp Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); phát huy tiềm năng và lợi thế của 03 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian sắp tới.
Thành phố Hồ Chí Minh mới sau sắp xếp, sáp nhập có: 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), Quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04 % so với tiêu chuẩn), 190 ĐVHC trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. – Các ĐVHC cùng cấp liền kề: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận – Nơi Trung tâm hành chính – chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh:
- 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1.
- Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, thành phố Thủ Dầu Một (cơ sở 2).
- Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số 01 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa (cơ sở 3).
Thông báo về lấy ý kiến cử tri về triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp phường